Samuel Eto’o: Chú nhóc bị xua đuổi ở Paris và hành trình vươn tới những vì sao

Posted by: admin Category: Thể thao Tags: Comments: 0 Post Date: 12/03/2019

Samuel Eto’o: Chú nhóc bị xua đuổi ở Paris và hành trình vươn tới những vì sao

Chiều 31/1/2018. Chỉ vài giờ trước khi kỳ chuyển nhượng mùa Đông của bóng đá châu Âu chính thức đóng cửa. Konyaspor, CLB vùng Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ rốt cuộc cũng kịp có cho mình một thương vụ quan trọng trong nỗ lực trụ hạng.
Samuel Eto’o: Chú nhóc bị xua đuổi ở Paris và hành trình vươn tới những vì sao
Bất ngờ hơn, cái tên gia nhập Konyaspor trong những thời khắc cuối của “phiên chợ” lại đến từ chính đối thủ của họ ở giải Super Lig Thổ, Antalyaspors. Thậm chí đấy còn là ngôi sao số 1, là chân sút xuất sắc nhất của Antalyaspors, người đã ghi tới 44 bàn sau 76 trận chỉ trong 2 mùa rưỡi khoác áo đội bóng này. Và đấy là một cái tên không hề xa lạ với bất kì CĐV bóng đá nào: Samuel Eto’o.
Sân Konya Buyuksehir, với sức chứa hơn 42 nghìn người, trong trận ra mắt chính thức CĐV nhà của Eto’o ở giải Super Lig gặp đội ĐKVĐ Besiktas, gần như không còn một chỗ trống – điều chưa từng xảy ra ở tất cả các trận sân nhà của Konyaspors mùa này. Một bằng chứng cho thấy, hiệu ứng của Eto’o – người bị coi là đã qua thời đỉnh cao từ lâu – vẫn rất lớn. Các CĐV Konyaspors còn có hơn một lý do để háo hức chờ đợi màn trình diễn của Eto’o. Bởi trước đó, trong trận sân khách thắng Alanyaspors 2-1, Eto’o chính là tác giả bàn mở tỉ số. Bàn thắng đầu tiên ngay trong trận đấu đầu tiên trong màu áo mới. 
 
Hiệp một trận tiếp Besiktas, chủ nhà Konyaspor thể hiện không tốt và bị dẫn bàn sớm còn Eto’o hầu như không tạo được tình huống hãm thành đáng chú ý nào bởi đơn giản là anh không có bóng trước một đối thủ có chất lượng vượt trội. Nhưng sự chờ đợi của các CĐV Konyaspor, dành cho Eto’o, sau cùng cũng không hề uổng phí. 
Phút 60, từ một pha công nhanh dọc biên, Eto’o nhận bóng ở nách trái, vượt qua một hậu vệ của Besiktas trước khi tung ra đường kiến tạo đẹp cho người đá cặp Adis Jahovic ghi bàn gỡ hòa 1-1. Giá trị đặc biệt của Eto’o, thêm một lần nữa được khẳng định, ở Konyaspor, như cách anh vẫn thường làm ở mọi đội bóng mà mình từng khoác áo.
Nói về Eto’o là nói về một trong những ngôi sao bóng đá xuất sắc nhất mà châu Phi từng sản sinh ra, là nhân vật nổi bật nhất trong những chiến tích “ăn ba” của Barcelona và Inter, là một kẻ “lữ hành” luôn biết cách chinh phục những vùng đất mới, bằng tài năng, sự chuyên nghiệp và tất nhiên, rất nhiều bàn thắng. Tính tới khi gia nhập Koynaspor đầu năm nay, Eto’o đã khoác áo cả thảy 12 CLB khác nhau ở châu Âu, chơi hơn 700 trận chính thức và ghi gần 400 bàn thắng. Có lẽ, sau George Weah – cầu thủ châu Phi duy nhất xưa này giành “Quả bóng vàng”, Eto’o chính là niềm tự hào số 1 của “Lục địa đen”. Nếu cần một biểu tượng cho sự vươn lên của một cậu bé có tuổi thơ cơ cực ở vùng quê nghèo châu Phi, sống cảnh vất vưởng nơi xứ người theo dạng nhập cư, bị coi là tầng lớp hạ đẳng và phải đối mặt với sự kỳ thị về màu da mỗi ngày, để trở thành một ngôi sao sáng trong thế giới bóng đá dương đại, thì Eto’o chính là tấm gương tiêu biểu nhất.
Eto’o trong ngày ra mắt cuốn tự truyện của anh hồi cuối năm 2013, đã nói rất nhiều về tuổi thơ cơ cực của mình như cách để lý giải tại sao anh coi bóng đá và nghề cầu thủ là động lực, là cơ hội để kiếm tiến, để thoát nghèo và để giúp đỡ những người thân. “Tôi chưa bao giờ quên những năm tháng đầy cơ cực khi là một chú nhóc theo gia đình nhập cư và sống ở các khu ổ chuột tại Paris. Cha tôi bị đuổi việc đơn giản chỉ vì gã chủ không ưa người da màu. Và bạn có tin được không, tôi và 5 anh chị em khác chỉ có thể trông mong vào những đồng tiền lẻ từ việc… buôn cá lậu của mẹ. Tôi vẫn nhớ mãi, hồi 14 tuổi, tôi từng bị đối xử ra sao khi đứng ngắm bên ngoài một cửa hàng thời trang tại Paris. Họ, những người ở cửa hàng ấy, đã làm mọi cách để xua đuổi tôi vì nghĩ một thằng nhóc đen đúa nhếch nhác như tôi chắc chắn chỉ là phường trộm cắp. Đấy là sự sỉ nhục mà tôi không bao giờ quên nhưng cũng là động lực để tôi quyết tâm trở thành một cầu thủ thật giỏi. Bóng đá là thứ duy nhất ở tôi, trong những tháng ngày khổ nhục ấy, có thể khiến họ phải nhìn tôi với con mắt khác, có ghen tị, có ngưỡng mộ”.
Eto’o đã chiến đấu từng giây từng phút, đã tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất để từng bước vươn lên hàng ngũ những ngôi sao bóng đá xuất sắc nhất những năm đầu thế kỉ 21, kể cả khi anh bị Real Madrid – CLB châu Âu đầu tiên mà anh gia nhập (năm 16 tuổi) năm lần bảy lượt ruồng bỏ. Và Eto’o, người chưa bao giờ quên tuổi thơ vất vả của mình, luôn coi việc khích lệ những cậu bé nghèo yêu bóng đá và khát khao trở thành cầu thủ giỏi như anh, là mục tiêu lớn của cuộc đợi. Phần một trong cuốn tự truyện (bằng tiếng Pháp) của Eto’o được xuất bản dưới dạng truyện tranh Comics – vì đấy, theo Eto’o là cách tiếp cận tốt nhất với những chú nhóc ở vào cái tuối của anh trong những năm tháng đầy ám ảnh bởi cái nghèo tại Paris. Quỹ Samuel Eto’o của anh cũng dành rất nhiều tiền để tài trợ các hoạt động bóng đá trẻ ở quê nhà Cameroon, đặc biệt là Học viện bóng đá trẻ Kribi – nơi phát hiện và phát triển những “mầm non” bóng đá giàu triển vọng nhất của Cameroon.
Ở tuổi 37, Eto’o vẫn giữ cho riêng mình 2 thói quen đặc biệt. Đầu tiên là thói quen “trả thù” những kẻ, những nơi từng phỉ báng anh như cách Eto’o cứ mỗi lần có dịp tới Paris đều quay trở lại cửa hàng thời trang từng xua đuổi anh thuở nào. Tất nhiên, Et’o chẳng mua gì ở cửa hàng đó mà anh chỉ đến đấy như một sự khẳng định rằng thằng nhóc nhếch nhác ngày nào giờ đã là một ngôi sao kiệt suất, một triệu phú bóng đá.
Và thói quen thứ 2, chính là tạo ra ấn tượng mạnh mẽ nhất có thể trong những trận đầu tiên ở một đội bóng mới. “Báo đen” đã ghi bàn trong trận đầu tiên khoác áo Konyaspors, lập cú đúp ngay trong trận ra mắt Antalyaspors, phá lưới đội bóng cũ Chelsea trong màn “chào sân” với Everton, chỉ cần 20 phút sau khi vào sân từ ghế dự bị trận ra mắt Anzhi để mở tài khoản bàn thắng, ghi bàn thắng đầu tiên cho Inter ở vòng khai mạc Serie A mùa 2009/10 – cũng là mùa đầu tiên của Eto’o ở Giuseppe Meazza. Trận ra mắt Barcelona ở La Liga 2004/05, thắng Racing 2-0, Eto’o là người ghi bàn ấn định thắng lợi. Bởi Eto’o, sau một hành trình rất dài của đời cầu thủ, hiểu rằng những bước đi đầu tiên luôn đầy giá trị. Và quan trọng hơn, với anh, người dù đã ghi hàng trăm bàn thắng trong đời, thì mỗi lần làm tung lưới đối phương cảm xúc vẫn hệt như bàn đầu tiên vậy…
Một bài viết của Elflaco (TĐP)
Loading...