Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy: Giáo viên phát ngượng, học sinh phản ứng !

Posted by: admin Category: Buôn Chuyện Comments: 0 Post Date: 14/05/2019

Việt Nam vẫn đang dạy cái thế giới không còn dạy: Giáo viên phát ngượng, học sinh phản ứng !

Giáo viên phát ngượng vì phải dạy những kiến thức lạc hậu, còn học sinh thì phản ứng và tranh luận vì những khái niệm trong sách giáo khoa quá xa rời với thực tế.

Nội dung sách giáo khoa của chương trình hiện hành còn rất lạc hậu so với sự phát triển của cuộc sống

Thế giới “khai tử”, Việt Nam vẫn cho học sinh thi

Hằng năm, khi hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 chuyên tin, trong văn bản của Sở GD-ĐT TP.HCM có ghi rõ học sinh (HS) có thể chọn thi phần lập trình Pascal tương tự kỳ thi HS giỏi lớp 9 cấp TP. Có phụ huynh đã thốt lên rằng: “Ngôn ngữ lập trình Pascal đã xuất hiện trên thế giới cách đây hơn 40 năm và thế giới công nghệ đã “khai tử” ngôn ngữ này đồng thời phát triển thêm hàng loạt ngôn ngữ khác, mà sao giờ này việc lựa chọn HS vào lớp chuyên lại sử dụng những kiến thức này”.

Còn một giáo viên (GV) phụ trách môn tin học của một trường THCS tại Q.1, TP.HCM, cho rằng: “Tôi đến phát ngượng khi dạy những kiến thức đó cho HS trong khi thế giới thay đổi từng ngày”.
Hay mới đây, khi học về chủ đề tình yêu của môn giáo dục công dân, một số HS lớp 10 tại TP.HCM đã phản ứng khái niệm tình yêu được nêu trong sách giáo khoa (SGK). HS không đồng tình khi đến giờ này SGK đưa ra định nghĩa “tình yêu là sự rung cảm, quyến luyến sâu sắc giữa 2 người khác giới”. Các HS tranh luận rằng, định nghĩa này không phù hợp với thực tế của đời sống. Tình yêu hiện nay đâu chỉ là sự rung động của 2 người khác giới.

SGK vẫn tiếp tục lạc hậu

Loading...

Thầy Vũ Quốc Lịch, GV địa lý Trường THPT Hà Nội – Amsterdam là tác giả của bài viết Lạc hậu như SGK địa lý trên Báo Thanh Niên cách đây 4 năm. Đến thời điểm này, ông khẳng định SGK địa vẫn tiếp tục lạc hậu như vậy.

Ví dụ, SGK địa lý lớp 12 vẫn sử dụng số liệu của năm 2005, thậm chí của năm 2004 như số liệu về dân số, mật độ dân số, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân đầu người/tháng theo các vùng, “mục tiêu về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên đến năm… 2010”, các công trình thủy điện đi vào hoạt động từ cả chục năm nhưng SGK vẫn là “đang xây dựng”… Điều này thật khó chấp nhận bởi tính thời sự bài học không có, tính thực tiễn còn ít giá trị. Các cuốn sách lỗi thời cứ được tái bản và đẩy GV vào tình thế khó. “Bởi phân tích tình hình thực trạng mà lại lấy số liệu của cách đây hơn 10 năm thì hỏi GV nào dạy trên lớp với số liệu đó mà không thấy ngượng mồm, mặc dù họ dạy bám theo SGK thì không có lỗi”, thầy Lịch nói.

Đồng tình, một GV địa lý của Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đưa ra nhận xét, nhìn chung trong chương trình SGK hiện hành đang sử dụng các số liệu từ những mốc thời gian chủ yếu là năm 2005 và một số của năm 2006; Altat Địa lý Việt Nam cũng cập nhật đến năm 2007. Như vậy những số liệu đó đến nay (2019) cũng đã quá cũ, đã quá lạc hậu so với những biến đổi của các sự vật, hiện tượng và có những điều không còn phù hợp trong thời điểm hiện tại nữa.

Tương tự, GV Nguyễn Đức Hiệp, dạy vật lý bậc THCS tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM) cho biết lượng kiến thức môn vật lý ở khối THCS hiện nay khá nhiều và rườm rà. Có những phần mà chương trình vật lý ở các nước khác chú trọng về kiến thức “định tính” và tích hợp một cách nhẹ nhàng, không đặt nặng về “tính toán” thì ở VN, HS phải học và ghi nhớ rất vất vả. Đặc biệt, ông Hiệp nhấn mạnh: “Bài thực hành trong SGK khối THPT dựa trên các thiết bị dạy học chất lượng thô sơ, kém hấp dẫn và thiếu chính xác. Kết quả là giờ thực hành vật lý ở một số nơi trở thành giờ học buồn chán, HS thiếu tin tưởng vào việc tìm hiểu và nghiên cứu khoa học”.

Do chương trình, SGK bị “bó cứng”

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, khi trả lời Báo Thanh Niên xung quanh vấn đề này cũng thừa nhận: “Vì được biên soạn cách đây khá lâu nên số liệu trong SGK không tránh khỏi lạc hậu so với thực tế; song nếu tiến hành cập nhật hằng năm thì phải viết lại nhận định đánh giá và sẽ kéo theo cấu trúc SGK phải thay đổi”.

Theo ông Tùng, để khắc phục điều này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo hướng dẫn của sách GV, GV trong quá trình giảng dạy cần phải cập nhật số liệu, bổ sung thêm những nhận định, đánh giá cho phù hợp…
Tuy nhiên, thầy Vũ Quốc Lịch cho rằng vấn đề địa lý kinh tế – xã hội có đặc thù riêng là luôn thay đổi. GV dạy học cần phải cập nhật thông tin, nhưng không nên cứ phó mặc hết cho GV, bởi họ đã quá bận rộn và không phải nơi nào cũng có đủ điều kiện để cập nhật thông tin. Nếu đẩy hết cho GV có thể vừa không chuyên nghiệp, giảm tính khoa học, và còn gây lãng phí nhân lực vô cùng lớn. 

 

Loading...